TIN THỦY SẢN

Sản xuất và tiêu thụ tôm nước lợ: Cần tranh thủ cơ hội về thị trường và thời tiết cuối năm

Thành Công

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tình hình xuất khẩu khó khăn, giá nguyên liệu thấp cộng với dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ, đặc biệt tại vùng nuôi tôm các tính thuộc khu vực ĐBSCL.

Vụ tôm nước lợ năm nay diễn ra trong bối cảnh bất lợi về thời tiết như nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập sớm, mưa trái mùa, nguồn nước cấp bị ô nhiễm… và sự biến động của thị trường như nguồn cung tăng, nhu cầu giảm, biến động về tỷ giá ngoại tệ. Giá tôm nguyên liệu trên thị trường giảm giảm 20-30% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, giá vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi tôm không giảm, nhiều loại còn tăng giá.

Vì vậy, những tháng đầu năm tình hình nuôi tôm giảm cả về sản xuất và tiêu thụ, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập và đời sống của người nuôi tôm. Tính đến giữa tháng 7, cả nước thả nuôi tôm nước lợ trên diện tích 616.480 ha, bằng 96% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch chỉ đạt 230.910 tấn (bằng 87% so với cùng kỳ năm ngoái), tôm nước lợ chế biến xuất khẩu ước đạt 1,3 tỷ USD (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2014).

Để tranh thủ cơ hội về thị trường và thuận lợi về thời tiết các tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Thủy sản chủ trì phối hợp với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thường xuyên nắm bắt thông tin thị trường và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và người dân ít nhất 2 lần/tháng.

Phối hợp Cục Thú y, các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản và địa phương làm rõ trách nhiệm và hướng dẫn nhiệm vụ quan trắc môi trường với cảnh báo dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản mà trọng tâm trước hết là tôm nước lợ

Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, hộ sản xuất nhỏ, trước hết tại các vùng nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, có biện pháp tăng năng suất; tăng cường tập huấn cho người dân, đặc biệt là người nuôi thâm canh theo quy mô nông hộ. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thực hiện quyết liệt các hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng vật tư đầu vào dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản và Nghề muối chủ trì phối hợp với Cục Thú y tiếp tục tháo gỡ khó khăn về rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, phối hợp với VASEP khởi động lại chương trình “Nói không với tạp chất”.

Cục Thú y tăng cường giám sát dịch bệnh, kiểm tra, giám sát thường xuyên và quyết liệt tại các trại giống, tiêu hủy hoàn toàn giống có bệnh, tăng cường đào tạo cho cán bộ địa phương về thú y thủy sản, tổ chức các hội nghị chuyên ngành về thú y thủy sản.

Các sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức kiểm tra đồng loạt vật tư đầu vào dùng trong nuôi trồng thủy sản, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, giống và giám sát theo đúng trách nhiệm. Chỉ đạo giám sát, ngăn chặn việc bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần thể hiện vai trò đầu tàu trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết chuỗi với người nuôi để giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất.
 

Thành Công Tiền Giang, 23/08/2015